Thành tựu nghệ thuật của nghệ nhân Park Seo Bo – cha đẻ phong cách Dansaekhwa

“Như một người viết thư pháp dồn hết tâm trí vào đầu viết lông, tôi cũng dồn tâm trì vào đầu chì của mình. Nhưng tâm trí tôi chẳng phải chú tâm vào vẽ hay viết ra thứ gì đặc thù cả, nó chỉ tập trung vào việc khiến tôi quên đi bản ngã thôi.”

(Bài viết trích từ Cereal 19 – chủ đề Korean)

Hình dung trong đầu trước về một người đã từng trải qua đói nghèo, chiến tranh, bắt nạt, bệnh tật, đói khát và bị chối bỏ khi đi tìm nghệ nhân Park, thì bạn sẽ không thấy được Park Seo Bo. Xuất hiện với chiếc mũ nỉ mềm Trilbi và áo khoác da vừa vặn, trên khuôn miệng treo nụ cười tươi tắn, ông trông trẻ hơn tuổi thật hàng thập niên. Vậy mà cùng người đàn ông đó từng là chàng thanh niên năm nào từng trải qua những đói nghèo không tưởng, thường xuyên bữa đói bữa no, phải ngủ lại trong lớp học khi không có nơi nương thân. Hồi đó, thời chiến tranh Nam Bắc Hàn, ông thường phải nán lại cuối buổi học để nhặt nhạnh từng mẩu chì, than vẽ hay bút màu mà bạn học bỏ đi. Khi không còn vật dụng gì để vẽ, ông dùng cả đất và nước tương ăn trộm được. Nhìn ông cười thản nhiên bây giờ, ai cũng nghĩ chắc ông đã trải qua một cuộc đời thật vô lo. Trên Instagram của ông, người ta chỉ thấy những bức ảnh hài hước về chiếc đầu hói láng bóng, hay cảnh ông tranh thổi nến với vợ trên bánh kem mừng kỉ niệm 61 năm ngày cưới của họ. Tôi thích nhất video họ đang cười khúc khích cùng nhau, gửi lời chúc mừng năm mới bằng tiếng Hàn. Cặp vợ chồng già còn để phụ đề cho video của họ bên dưới, kể cả phần cười “HaHaHa”. Tất cả những sự hài hước đó khiến chúng ta tin rằng năng lượng tích cực này vốn là tính cách của Park Seo Bo, chứ không phải thứ sinh ra từ phú quý và ấm êm sau này.

Những bức tranh của nghệ nhân Park trông như những mảng màu lơ lửng trong không trung. Những vết màu lặp đi lặp lại, dịu dàng và thuần khiết, tranh của nghệ nhân Park kết hợp hoàn hảo được sự khắc khổ và an yên trên cùng một mặt giấy. Thế nhưng ông lại nói, rất khó để học được sự thanh thản. “Chỉ khi chìm đắm trong việc vẽ tranh tôi mới tìm thấy an bình trong tim mình. Mà hình như tôi cũng chỉ giỏi có mỗi việc đó. Chắc vậy nên tôi vẫn có thể cầm bút vẽ sau khi trải qua bao nhiêu khó nhọc. Không thứ gì có thể ngăn cản tôi tìm về thứ bản ngã chân chính này của mình, kể cả chiến tranh, thời thế, nghèo đói hay bệnh tật.” Nghệ thuật như một vòng bánh xe, nó giúp cuộc đời ông lăn bánh vượt lên chính mình và mọi khó khăn, rồi chính ông lại tạo ra một thứ nghệ thuật thuần khiết đầy ý nghĩa bằng trái tim không vướng bận cái tôi. Mọi thứ, duy chỉ trừ có cái nghèo trùm lên gia đình, vợ con là khiến ông khổng thể chịu đựng được.

Tài năng, đam mê và kỷ luật giúp nghệ nhân Park trở thành người khai sinh cho trường phái nghệ thuật Dansaekhwa, phong trào nghệ thuật đi lên tầm thế giới cùng với hàng loạt tên tuổi đại thụ của làng nghệ thuật Hàn Quốc như Chung Chang-Sup, Yun Hyong-Keun, Lee Ufan, Ha Chong-Hyun, Kwon Young-Woo và Cho Yong-Ik. Ra đời vào thập niên 70, Dansaekhwa là sự kết hợp giữa tư duy thẩm mỹ của người Hàn Quốc và sự trừu tượng. Dansaekhwa thường được biết đến vơi tên dịch sang tiếng Anh là Monochrome. Nhưng ông Park không ưa nổi từ đó. Ông nói, Dansaekhwa trong tiếng Hàn đúng thật có ý nghĩa là “chỉ một màu”, nên người ta hay lầm tưởng tranh của chúng tôi là phiên bản Hàn Quốc cho trường phái Monochrome. Nhưng Monochrome thật ra lại là quy tắc sử dụng hạn chế màu sắc trong tranh vẽ, một thứ hoàn toàn khác biệt (so với Dansaekhwa). Nghệ nhân Park giải thích, Dansaekhwa là việc ứng dụng màu sắc đơn điệu vào trong triết lý của người Hàn Quốc. Người Hàn thích những thứ đi theo thuận quy luật. Việc sử dụng những dụng cụ vẽ đơn giản và màu sắc lập lại trong tranh sẽ khiến người ta nhìn ra được “bản chất” của sự vật. Người Hàn Quốc tin rằng thiên nhiên là một thể vẹn toàn, và nhân loại chỉ là một phần nhỏ bé trong thể hoàn chỉnh đó. Vì thế, là một nghệ nhân, tôi tìm cách giảm thiểu ranh giới giữa bản thân và xung quanh tới mức ít nhất. Tranh của tôi không vẽ những hình ảnh “nhân” tính hoá. Tôi không vẽ thiên nhiên như thứ gì đó có thể thu tóm và kiểm soát. Đó là gốc rễ của của Dansaekhwa: dùng sự tôn trọng cao nhất cho những nguyên liệu sử dụng để vẽ ra tác phẩm có ít cái tôi nhất.

Tương tự như việc chối bỏ bản dịch tiếng Anh cho Dansaekhwa, nghệ nhân Park cũng không đồng tình với từ tiếng Pháp “écriture” mà nhà phê bình nghệ thuật Bang Geun-Taek gợi ý mô tả phương pháp vẽ của nghệ nhân Park, vốn đặt tên là Myobop. Myobop xuất phát từ chữ cái tiếng Hoa có nghĩa là “vẽ” hoặc “phương pháp”. Từ “écriture” có nghĩa là là trang trí, vì thế với ông Park, có sự khác biệt không nhỏ ở đây. Trong khi viết hay trang trí trong phong cách Tây Âu không hợp ý nghệ nhân Park, thì calligraphy – thư pháp Á Đông lại được cho là gần giống nhất Myobop. Ông giải thích, khi viết thư pháp, người ta cần giữ bút thẳng, đầu cọ chạm nhẹ với mặt giấy bằng đầu lông nhỏ, biểu hiện tâm trí của người viết. Đầu bút sẽ biểu hiện ra những cử động nhỏ nhất của tâm trí. “Giống như những nhà thư pháp lão luyện tập trung vào đầu bút lông, tôi cũng tập trung toàn bộ các giác quan của mình vào đầu cọ khi “myobop”. Nhưng tâm trí tôi không cố gắng chủ động vẽ hay viết ra thứ gì từ đầu cọ, mà thay vào đó, tôi cố gắng quên đi bản ngã của mình qua đầu cọ. Vì thế mà myobop và thư pháp giống nhau nhất ở chỗ người viết đều đi vào trạng thái tâm linh”.

Sự tôn trọng của nghệ nhân Park dành cho các vật liệu ông sử dụng biểu hiện nhiều nhất ở thái độ của ông dành cho Hanji – loại giấy thủ công đặc biệt của Hàn Quốc làm từ lõi cây dâu tằm, hay còn gọi là cây dak. Nó có khả năng thấm cực tốt, trong khi vẫn mềm mại và dẻo dai. “Các tác phẩm của tôi chính xác là sự kết hợp hoàn mỹ giữa hanji và mỹ thuật myobop của tôi. Với tôi, tranh vẽ không phải bề mặt của tác phẩm, mà chính là Hanji.” ông Park nói về chủ đề mà ông tâm đắt nhất. Trong một buổi tranh luận với hai nhà báo Robert Rauschenberg và David Hockney về chất lượng của giấy hanji, ông nói cách vẽ tranh mới là khi bạn lùi lại một bước, và vẽ theo cách cho phép tờ giấy kể câu chuyện của riêng chúng. Vì thế thay vì vẽ đè lên mặt giấy, tôi hỗ trợ tờ giấy Hanji bộc lộ bản chất tự nhiên của nó nhiều nhất có thể. Ngắm trực tiếp các tác phẩm của nghệ nhân Park, tôi mới hiểu lời ông nói là gì. Những bức tranh biểu hiện được tính trạng trắng mờ mờ của giấy Hanji. Vân giấy lấp ló trong những đường viền, đường gấp, lượn sóng của bức tranh. Việc “dỗ dành” cho giấy Hanji bị lộ ra được những nếp gấp tự nhiên như thế chính là tâm điểm của nghệ thuật Dansaekhwa và Myobop. Tôi mê mẩn để tay mình chạm nhẹ bề mặt để cảm nhận mặt giấy lúc gồ ghề, lúc mềm mại, khi gợi sóng, lúc lại rắn chắc. Tôi cảm giác như mình chìm vào trong bức tranh, như thể bảo tàng xung quanh mình đang dần tan biến.

Dansaekhwa dễ bị hiểu lầm một trường phái tranh xám xịt đơn điệu, vốn hoàn toàn sai. Lee Ufan, một cái tên nổi trội của Dansaekhwa sử dụng màu cam và xanh nhạt trong tranh của ông, dù trước đó cũng có giai đoạn ông ưa chuộng màu xám. Điều quan trọng nhất là nét cọ, chứ không phải màu sắc. Ví dụ như Yun Hyong Keun thì lại nổi tiếng trong giới Dansaekhwa với tranh màu nâu đất và xanh thẩm. Những nét vẽ liên kết, nhịp nhàng, đều đặn mới chính là điểm chung của các tác phẩm Dansaekhwa. Cho Yong Ik, một hoạ sĩ Dansaekhwa khác cũng giữ nguyên tắc tôn trọng tối ưu vật liệu, nhưng tranh của ông vẫn biểu lộ những gợi ý cảnh vật. Trong chùm tác phẩm “Sóng”, các nét vẽ có chút gì ghi lại nhịp nước loáng loáng. Còn trong chùm tranh “Tre”, thì người ta tìm được những dấu vết lá tre phiêu bồng trong gió. Chung Chang Sup, cố nghệ sĩ trường phái Dansaekhwa mất năm 2011, nói về đam mê với giấy Hanji của mình trong một lần phỏng vấn: “Khi tôi lấy đầu cọ ra, đặt lên trang giấy và bắt đầu di chuyển nó, thì cũng là lúc cuộc đối thoại giữa tôi và tờ giấy bắt đầu. Khi đó, tôi không vẽ theo ý nguyện của bản thân, mà tôi chờ đợi câu trả lời từ giấy”.

Các nghệ nhân của Dansaekhwa nổi tiếng với việc cố gắng xoá nhoà bản ngã trong tranh. Vì thế mà họ ghét từ “minimalism” khi miêu tả về họ. Nghệ nhân Park cáu kỉnh khi người ta đánh đồng Dansaekhwa và Minimalism. Với ông, minimalism là trường phái bộc lộ cái tôi cao nhất khi tối giản hoá mọi thứ xung quanh, một trường phái với ông vó phần phô trương, tự phụ và ích kỷ, trong khi Dansaekhwa lại tìm cách loại bỏ bản ngã của người hoạ sĩ trong nghệ thuật. Ông cũng không đồng tình phương pháp Myobop với “automatic drawing”, một phương pháp vẽ gạt bỏ ý thức của người vẽ đi, trong khi Myobop lại là đỉnh cao của tiềm thức hoà quyện vào tác phẩm. Myobop là một nỗ lực bỏ đi bản ngã của mình chứ không phải ý thức, cũng giống như khi một nhà sư tụng kinh, ngài sẽ gõ mõ nhằm tạo ra tâm thức rỗng và giải toả tâm trí.

Khi ngắm nhìn tranh của nghệ nhân Park, ta sẽ thấy ngập tràn ý thức tâm linh và một nguồn năng lượng mãnh liệt đến từ những bước sóng lập lại tưởng đơn điệu kia. Người ta tìm thấy nguồn năng lượng bất tận từ tranh của nghệ nhân Park, đặc biệt khi gần đây ông bắt đầu ứng dụng màu vẽ vào trong tranh. Dù rất tối giản trong màu sắc sử dụng, nhưng tranh của nghệ nhân Park không phải kiểu một màu. Bạn sẽ dễ dàng tìm thấy hồng phấn, vàng nghệ, lòng đào, màu cà chua, màu kem sữa trong tranh của ông thời gian gần đây. Ông nói mình đang tìm cách đưa niềm vui vào trong tranh qua thị giác, để giúp người ta tìm thấy niềm vui và hạnh phúc khi ngắm tranh. Có lẽ đó cũng chính là một phần tài năng của nghệ nhân Park. Sinh ra với nguồn năng lượng tích cực nhường đó, để giúp ông vượt qua mọi khó khăn, thậm chí vẫn vẽ tranh và đi du lịch ở tuổi 86, dù sức khoẻ hạn chế. “Tôi được sinh ra với một sức mạnh thể chất và tinh thần không biết mệt mỏi. Vì thế mà trong bảo tàng quốc gia về nghệ thuật của Seoul, họ còn gắn thêm một cái biệt danh cho tôi bên dứoi mấy tác phẩm trưng bày là  “Nguồn nỗ lực không mệt mỏi – The Unturing Endevour”- ông Park hài hước.