Tham quan Studio làm việc của nhà thiết kế cảnh quan Fernando Caruncho

Những khu vườn là sáng tạo của con người để dung hoà giữa “tự nhiên và nhân tạo”.

Từ bàn làm việc của Fernando Caruncho, có thể bắt trọn cánh đồng lúa mì màu bụi vàng chạy thẳng tới những ngọn núi nằm ở phía Bắc thành phố Madrid, nơi từng được danh hoạ thế kỷ 16 người Tây Ban Nha Velázquez vẽ trong tranh. Bên trong những ô cửa vuông vắn nhìn như những cửa xếp của gian hàng hội chợ là studio nơi nhà thiết kế cảnh quan Caruncho và team của mình sáng tạo nên những dự án từ Florida tới New Zealand.
Khu vườn bên ngoài toà nhà cũng chính là đặc trưng cho phong cách thiết kế của Caruncho trong suốt 40 năm qua: những khu vườn tinh tế, hiện đại mà tĩnh lặng, dung hoà một cách hoàn hảo cùng cảnh quan của bầu trời Sierra de Guadarrama.

Studio lấy chủ đề “Điểm hấp dẫn trọng lực”.

Khi đặt chân tới nơi này 20 năm về trước, chính quan cảnh ở đây là cảm hứng để Caruncho thiết kế nên studio và khu vườn – “Điểm hấp dẫn của trọng lực”, như ông diễn đạt, là một khối nhà vuông vắn màu kem được bao bọc xung quanh bằng những hàng cây gỗ hoàng dương và nguyệt quế ngay ngắn đến hoàn hảo. Giờ đây đã vào tuổi 62, Caruncho là người giám sát đội thiết kế gồm 12 người làm việc, bao gồm cả hai con trai của ông, Pedro và Fernando. Họ làm việc tại studio đồng thời cũng là văn hòng đặt trụ sở điều phối toàn cầu của công ty. Toà kiến trúc ở giữa khu vườn có thiết kế hoài cổ – nguồn cảm hứng đưa Caruncho đến với nghề. Học viện Plato là một khu vườn, Lyceum (nơi Aristotle dạy học) là một khu vườn, Stoa – nơi tụ hội của những nhà lý luận phong trào khắc kỉ (Stoicism) cũng nằm giữa một khu vườn. “Tôi bị ấn tượng với cách mà người ta trở nên đầy sáng tạo khi ở giữa thiên nhiên” _ Caruncho kể.

Nhà thiết kế 62 tuổi hiện là giám sát cho đội thiết kế 12 người, gồm cả hai con trai nối nghiệp ông.

Caruncho là một người ham mê sách, và từng theo học ngành triết học tại đại học Madrid trước khi rẽ ngang thành nhà thiết kế cảnh quan (garden design). Ông bắt đầu công việc mà chẳng có lấy một kế hoạch kinh doanh hay chiến lược cụ thể nào, nhưng trong suốt 40 năm sau đó ông đã trở thành nhà thiết kế cảnh quan được ‘săn đón’ nhất, hợp tác cả với những kiến trúc sư đạt giải Pritzker như Renzo Piano, và duy trì những mối hợp tác với khách hàng trong hàng chục năm. “Người ta thường gọi cho tôi, và nói rằng họ vừa khám phá ra thêm được vài mẫu đất”_ Caruncho hài hước.

Phòng sách của ông chứa đầy sách về triết học và cảnh quan thiên nhiên.

Nhưng dù cho đã tìm thấy thành công trong sự nghiệp, Caruncho vẫn chưa được nhiều người biết tới. Các khu vườn của ông được đánh giá cao vì sự trong trẻo, nhẹ nhàng và đơn giản trang trọng, nhưng mỗi khu vườn lại ngốn một khoảng thời gian dài để chăm sóc. Vì thế mà mỗi năm, studio chỉ nhận từ 4-5 dự án. Và với những dự án mà Caruncho nhận về, khách hành thường là yếu tố quyết định. “Chúng tôi không bao giờ từ chối dự án vì địa điểm. Mỗi nơi đều có vẻ đẹp riêng, dù có thể nó chưa hiển hiện. Vấn đề ở đây là khách hàng – chúng tôi muốn tìm những chủ nhận có trách nhiệm cho khu vườn.”

Mỗi dự án sẽ bắt đầu với chuyến thị sát vị trí, rồi quay trở về studio để làm mô hình thu nhỏ. Sau đó, Caruncho sẽ phát thảo cảnh quan khu vườn trên giấy, trước khi chuyển sang mô hình. Quá trình này cho phép Caruncho và team của ông khảo nghiệm địa hình và cấu trúc đất của dự án. Các thiết kế sau đó sẽ được chỉnh sửa dựa theo yêu cầu khách hàng và nhu cầu thực tế, trước khi tổng hơp thành bản in và gửi cho kiến trúc sư ở địa phương hoàn thiện.

Caruncho tạo những mô hình nhỏ của thực địa để team có thể khảo sát địa hình và cấu trúc.

Mỗi dự án kéo dài từ một năm đến một năm rưỡi, thường có thể lâu hơn, và sự hợp tác thường không chấm dứt ngay sau khi khu vườn hoàn thiện, mà kéo dài lâu sau đó, thường thì họ sẽ được mời đến cải tạo hoặc chăm sóc khu vườn sau mỗi đợt có bão hay thời tiết xấu, hoặc nếu khu vườn gặp dịch bệnh. “Giá trị của công việc này nằm ở quá trình duy trì”, Caruncho giải thích. Ông thích người ta gọi mình là một người làm vườn, hơn là người thiết kế, “bởi vì cảnh quan xung quanh đã quyết định ý tưởng rồi, thứ tôi cần làm chỉ là nuôi dưỡng chúng thôi”.

Trong hầu hết các trường hợp, Caruncho sẽ nương theo ‘hướng dẫn’ của môi trường và khí hậu địa phương mà thiết kế. Ông sử dụng đúng những loại cây cối có sẵn trong vườn, chứ ít khi giới thiệu những giống cây mới. Những can thiệp của ông tới cấu trúc khu vườn ví dụ như việc sắp thẳng hàng những cây hoàng dương và đào cái hồ trong khu vườn ở studio Madrid – chỉ nhằm để “nhân cách hoá” khu vườn, thổi hồn và tính cách vào cho nó và tạo ra sự kết nối với chủ nhân. Đây cũng là ý tưởng cho một thiết kế cảnh quan của ông tại một hòn đảo ngoài khơi bờ biển Maine, nơi những rặng thông xâm chiến phần lớn khu vực. Caruncho cho mở một con đường giữa rừng thông để nhìn ra biển, đồng thời dẫn lối tới khu vườn tự nhiên với rêu và địa y.

Hồ trong khu vườn ở studio Madrid

Caruncho có lối sáng tác bản năng, và thường mất cả tháng để ông gom đủ ‘linh cảm’ cho bản vẽ giấy đầu tiên, sau khi thị sát một công trình. Nhưng đó là một phần của guồng sáng tác mà Caruncho mất gần 10 năm đầu tiên để tạo nhịp. Một kiểu “quy tắc” riêng biệt cho quá trình sáng tác của Caruncho. Như một khu vườn ở miền Nam nước Ý mà Caruncho từng thiết kế, sau khi ghé thăm nơi này vào một buổi tuyết rơi mùa đông, nhìn ra bên ngoài những ‘masseria’ – kiểu nhà truyền thống của Ý, ông đã cho trồng những dây nho bao quanh những cột uốn lượn theo hình sóng, bởi vì cảnh tuyết rơi đó khiến ông có cảm hứng về một thứ âm nhạc thần kỳ. Đó là cảm hứng đúc kết và chiêm nghiệm từ lần ghé thăm vườn, từ nắng ngập tràn khu vườn nho và những máy móc đằng sau hầm rượu – tạo nên một tổng thể giản đơn mà đầy chất nhạc. Mất bốn năm để công trình này được nhìn nhận, và rồi Caruncho trở thành thành viên danh dự của Học viện Nghệ Thuật và Hội Hoạ ở Florence.

Trên cả sự chính xác về mặt hình thức, trong các tác phẩm của Caruncho, định nghĩa của một khu vườn chính là phương tiện giao tiếp của con người và tự nhiên. Như ông từng nói, định nghĩa này có thể gói gọn trong hai cái chậu cây và một ban công, tới những vườn nhỏ trong chậu sành, tới những khu đồng cỏ ngập tràn những cây lương thực vuông vắn như ông tạo ra ở Catalonia. Định nghĩa của Caruncho luôn xoá nhoà ranh giới giữa không gian riêng và khoảng rộng xung quanh. Những rừng cây dày đặc hay thậm chí bãi cổ trống cũng là một phần gắn kết với khung cảnh thung lũng, núi đồi hay bầu trời bao quanh, bản màu của Caruncho chính là sự hài hoà với quang phổ của đất trời.
Khi còn là một đứa trẻ, có lần Caruncho trải qua kỳ nghỉ hè ở nhà ông bà tại Ronda, một thị trấn ở miền nam Tây Ban Nha, nằm phía trên một hẻm núi sâu. Caruncho nhớ lại mình đã nhìn ra lan can nơi mặt đất đột ngột giảm xuống, mắt ông mở to khi ngắm nhìn phong cảnh Andalucia khô cằn. “Niềm đam mê của tôi đối với rất nhiều thứ trong cuộc sống của tôi bắt đầu từ cái nhìn nơi vách đá đó, khi cố gắng hiểu được sự diệu kỳ của cảnh quan nơi này” _ ông kể. Với tư cách là một nhà thiết kế và nghiên cứu triết học, đó cũng là câu hỏi cốt lõi theo đuổi Caruncho trong suốt 40 năm nghề của mình: đâu là vị trí của con người giữa thế giới tự nhiên này? Và liệu sau 40 năm với vô số thiết kế để cho đời, ông đã tìm ra câu trả lời chưa?

“Đó là một câu hỏi rộng, nhưng là một câu hỏi quan trọng tại thời điểm này. Những khu vườn là sự kết nối vượt qua cả chính trị, tôn giáo và sự khác biệt giữa người với người. Tôi lo lắng rằng liệu mối quan hệ của con người có bị thay đổi, khi mà người ta chỉ còn quan tâm tới tự nhiên vì những lí do khoa học? Và chỉ khi tìm về với những khu vườn, người ta mới có câu trả lời”.

(Bài viết được trích từ tạp chí Kinfolk 42, có bán tại đây)
Tác giả: George Upton
Hình chụp: Christian Møller Andersen.
Sạp Báo Nhỏ Việt hoá.