Miyakonojo – Làng nghề làm trường cung lâu đời nhất Nhật Bản

(Bài viết được trích từ cuốn sách Handmade in Japan)

Tetsuro Ogura đang đứng trong sân trước nhà với chiếc trường cung ông vừa làm ra. Ở Miyakonojo, có khoảng mười nghệ nhân làm trường cung, và chỉ bốn trong số đó được nhận danh hiệu Nghệ Nhân Bậc Thầy (Master Artisans). Ogura là một trong bốn sư phụ được nhận danh hiệu đó. Bên ngoài tỉnh Miyakonojo, cả nước Nhật chỉ có chưa tới 12 nghệ nhân làm trường cung khác.

Trường cung Nhật Bản là loại trường cung (longbow) lớn nhất trong cùng loại. Tối thiểu, một cây trường cung Nhật dành cho cung thủ trưởng thành có thể đo được 212cm từ đỉnh cung này tới đỉnh cung còn lại. Thời kỳ Sengoku, trường cung là vũ khí chính được các samurai sử dụng, nổi tiếng với khả năng phóng tên chính xác từ khoảng cách trăm mét. Dáng của trường cung Nhật rất đẹp, vừa vững chắc lại mang những đường cong mềm mại, đồng thời có màu vàng óng ả từ thân tre.

Thiết kế của trường cung Nhật Bản vẫn được giữ nguyên vẹn từ khi được hoàn thiện ở thế kỷ 17. Hiện nay, các cung thủ thi đấu chuyên nghiệp tại Nhật Bản vẫn sử dụng loại trường cung được cải tiến từ 200 năm, và phần lớn chúng được sản xuất tại Miyakonojo – thành trì cổ xưa được biết đến như là thủ phủ của nghề sản xuất trường cung truyền thống tại Nhật – 80 ~ 90% trường cung được ra đời tại đây.

“Tổ tiên của tôi là một cung thủ thiện xa, thấy vậy lãnh chúa của ngài bèn gợi ý ‘Sao ngươi không thử chế tạo cung xem?’ _ Sumihiro Kusumi kể lại. Ông là người nối nghiệp thế hệ thứ bảy của một gia đình chuyên nghề chế tạo cung. Kusumi khẳng định, tổ tiên ông là người tạo ra cây trường cung được cải tiến bản cuối cùng mà mọi người đang sử dụng ở Miyakonojo. Những ghi chép chính thức về trường cung Miyakonojo chưa được ghi nhận tại các văn bản chính thức, nhưng từ những nghiên cứu lịch sử cho thấy nó từng xuất hiện trong các văn bản pháp lệnh cuả gia tộc Shimaru về cách sử dụng trường cung trong quân đội từ thế kỷ 17. Và gia tộc Shimaru từng là một trong những lãnh chúa nổi tiếng vì bảo trợ cho quân đội và phát triển vũ khí. Miyakonojo có thể trở thành thủ phủ tập trung của ngành làm trường cung chủ yếu nhờ vào chất lượng cực kỳ cao của loại tre sản xuất tại địa phương.

Quá trình làm một cây trường cung Nhật Bản vô cùng phức tạp và tốn thời gian. Lõi của cây cung làm từ hai lớp gỗ thù du hong khô rồi gắn kết vào nhau, bọc quanh 5 chuỗi thanh tre. Sau đó, lớp tre khác mới được đánh bóng và bao phủ ra mặt ngoài, gò lại bằng một lớp da hoẵng thuộc. Ngoài ra, để đảm bảo lớp gỗ thù du gắn chặt vào phần lõi thanh tre rời, người ta còn phải dùng một loại dây thừng nhỏ quấn đều từ đầu xuống cuối cây cung, giúp nó khó bị gãy hoặc bị bung khi sử dụng.

Lõi tre kết hợp xen kẽ giữa gỗ thù du và tre để tạo ra tổ hợp vừa cứng vừa dẻo.
Có 80-100 thanh tre được dùng chỉ riêng cho công đoạn nẹp và định hình cung.
Lõi cung là 5 chuỗi các thanh tre ngắn được gắn kết vào với nhau bằng keo chuyên dụng.
Quá trình gắn kết cần sự tỉ mỉ tuyệt đối.
Quá trình uốn cánh cung vào hình dáng mong muốn mất rất nhiều thời gian và công sức.
Nghệ nhân đang uốn lõi cung trước khi ốp phần vỏ tre bên ngoài.

Trung bình có từ 80 đến 100 thanh tre được chuốt rồi nẹp lại với nhau tạo nên một áp lực tổng thể vô cùng cứng rắn, giúp người nghệ nhân từ từ uốn phần cung bán thành phẩm theo hình bán nguyệt tới khi ra được hình dáng cuối. Đợi cho keo khô, người ta lại phải gỡ lớp nẹp và lớp dây thừng ra, rồi tiếp tục uốn nắn chỉnh sửa hình dáng cung. Chính quá trình tỉ mẩn này giúp cây trường cung Nhật có được độ bền nổi danh, cùng với vẻ đẹp không thể phủ nhận. Lõi cung cần được sắp xếp sao cho chịu được áp lực lớn mà không bị tách rời. Từng lớp gỗ và lớp tre được dán dính vào nhau mỗi chút một, đồng thời dùng một chiếc búa bằng tre để cân chỉnh từng mảnh nhỏ, sao cho khi keo khô, cả cấu trúc đặt được độ bền hoàn hảo nhất.

Nghệ nhân Kusumi Sumihiro – truyền nhân đời thứ 7 của gia tộc Kusumi

Kusumi Sumihiro là một trong mười nghệ nhân làm cung tại Miyakonojo. Gia tộc Kusumi nổi tiếng là những người đã đem nghề làm cung truyền thụ lại cho nhiều gia đình khác tại Miyakonojo, đồng thời cũng đã gìn giữ nghề truyền thống này qua bảy thế hệ. “Cha không bao giờ dạy tôi làm cung cả”, Kusumi kể lại. “Thay vào đó, tôi phải học bằng cách ngồi im lặng quan sát, rồi tự mày mò trong thời gian rảnh rỗi của mình.” Có lẽ vì thế mà cả mười nghệ nhân làm trường cung tại Miyakonojo đều cho ra đời những sản phẩm có dấu ấn riêng đặc biệt rõ nét về hình dáng, cánh cung, và độ cân bằng. “Sau 33 năm làm nghề này, tôi kết luận dáng cung hiện tại mình làm là hoàn hảo nhất, nhưng bạn nên đi xem cả những nghệ nhân khác nữa, để xem loại cung nào hợp với bản thân nhất”_ Kusumi khuyên.

Bước quan trọng nhất trong quá trình chế tạo cung là căng dây cung. Theo Nghệ Nhân Bậc Thầy Tetsuro Ogura, thì quá trình căng dây cung sẽ quyết định thành phẩm cuối cùng đáng giá thế nào. “Cung được làm từ chất liệu tự nhiên, vì thế nó sẽ yếu và mạnh ở những chỗ khác biệt. Trong lần căng dây cung đầu tiên, người nghệ nhân phải xem xét điểm uốn cong của cung sao cho thân cung không bị áp lực quá nhiều, hoặc bị uốn theo sai hướng tự nhiên. Quá trình này đòi hỏi cả sức mạnh và sự tinh tế. Người nghệ nhân sẽ dùng cả cơ thể để tì vào thân cung, lúc này được đặt dựa vào tường. Nếu bước căng dây làm sa,i có thể dẫn đến việc cây cung bị yếu, hoặc bị gãy.

Cuối cùng, nghệ nhân sẽ căng một lớp da hoẵng mềm lên hai phần ba của thanh trường cung. Lí do vì sao có sự bất đối xứng trong phần da thuộc được gắn lên, có nhiều tranh cãi rằng vì khi xưa các samurai phải cưỡi ngựa, nên chiều dài này sẽ tương xứng với vị trí ngồi của họ trên lưng ngựa, giúp họ dễ dàng nhắm bắn qua đầu ngựa (vốn cao so với thân). Lại cũng có lý thuyết khác cho rằng phần da thuộc này giúp giảm áp và giảm rung khi tên rời cung (vì thế tên sẽ đến đích chính xác hơn). Hay có người cho rằng phần da thuộc này là một bộ phận tăng sự dẻo dai cho thân cung, giúp căng dây ra tối đa đến sau tai cung thủ, và vì thế tên đi xa hơn. Dù là lý do nào đi nữa, chiếc trường cung Miyakonojo vẫn là một tuyệt tác được cải tiến và phát triển về cả tính năng và vẻ đẹp qua nhiều thế hệ nghệ nhân.

Mục nhập này đã được đăng trong Arts. Đánh dấu trang permalink.