Everybody has a story – Mỗi người một chuyện – số 92

[Trích từ tạp chí Frankie 92]

Emma Miall mắc phải hội chứng về thần kinh khiến cô rất khó nhận ra người khác.

Bệnh mù “mặt”

Prosopagnosia là một hội chứng thường được biết đến rộng rãi với tên gọi “Face Blindness” – “Hội chứng mất nhận thức khuôn mặt”. Bệnh này là nguyên nhân khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc nhận diện những khuôn mặt khác nhau, kể cả đó là khuôn mặt người quen. Cũng có tình trạng bệnh bẩm sinh, tuy nhiên đa phần người bệnh này thường xuất hiện bệnh trạng sau khi gặp những tổn thương não bộ, đặc biệt là vùng não bên phải. Hiện không có cách chữa trị dứt điểm căn bệnh này, tuy nhiên người bệnh vẫn có những “bí quyết” giúp vượt qua những khó khăn hằng ngày.

Emma được các bác sĩ khoa thần kinh học cho biết mình mắc hội chứng mất nhận thức khuôn mặt khi cô chỉ 22 tuổi, sau khi thuỳ não phải bị thương tổn. Emma có một khối u não lớn 60 centimet vuông, và phải làm phẫu thuật loại bỏ khối u khỏi Thuỳ não phải và Hồi hải mã (Hippocampus – khu vực lưu trữ thông tin của não). Sau ca phẫu thuật, các bác sĩ cho cô làm một bài kiểm tra để đánh giá ảnh hưởng của não bộ hậu phẫu. Và khi làm bài test với những bức hình của một số người, Emma không nhận ra được ai cả. Ban đầu cô cũng cảm thấy bình thường, nghĩ rằng đó là ai đó cô từng quen nhưng quên mặt. Thế nhưng hoá ra khi đó các bác sĩ cho cô xem hình công nương Diana và một số người nổi tiếng khác, và Emma chẳng nhìn ra họ nổi. Cô không dám tin vào sự thật, nhưng phải chấp nhận vì các bác sĩ thần kinh đã xác định bệnh trạng rồi. Và thế là Emma nghĩ, từ nay có lẽ cô cần phải dựa vào người đối diện nói cho cô biết họ là ai thôi. Suy cho cùng, khi bị bệnh Prosopagnosia thì rõ ràng, sự chân thật là thứ bệnh nhân mong đợi nhiều nhất ở những người xung quanh.

Học cách làm quen

Khoảng thời gian hậu phẫu với Emma thật sự nhiều khó khăn. Xem một bộ phim truyền hình thôi cũng thật là gây go, vì cô chẳng nhớ nổi nhân vật nào ra nhân vật nào. Và thậm chí đôi lúc khi đang đánh răng, cô cũng giật mình thấy hình ảnh của chính mình đang há miệng trong gương. Prosopagnosia gây ra cảm giác xa lạ với chính hình ảnh của bản thân người bệnh. Giờ đây, Emma chỉ dám xem những bộ phim truyền hình cực ít nhân vật, như Flight of the Conchords. Còn nếu xem bộ phim nào có nhiều tuyến nhân vật hơn, cô phải hỏi chồng mình mỗi lần phim chuyển cảnh xem đó là ai và ai. Những bộ phim như Orange is the new black hoàn toàn làm khó Emma khi nhân vật toàn bộ đều mặc đồng phục như nhau. Hoặc những bộ phim nước ngoài như phim Sopranous, khi tất cả nhân vật đều có cùng ngữ âm và tóc đen ngắn, Emma cũng chẳng nhớ nổi ai ra ai.

Bạn có bao giờ xem chương trình Nhân tố bí ẩn không? Cảm giác của Emma chính là như vậy, biết người không không biết mặt. Với mỗi người cô quen biết, cô chỉ có thể thu thập thông tin về đặc điểm của họ, như cách nói, cách đi, hay những đặc điểm nhỏ như đồng tiền, cằm chẻ, màu mắt, màu tóc. Nếu tình cờ gặp ai đó ở bên ngoài mà họ đã nhuộm tóc màu mới, trước khi Emma kịp cập nhật, thì xem như “người dưng ngược lối”. Bởi vì những khuôn mặt Emma thấy đều chỉ là 2 mắt, 1 mũi 1 miệng mà thôi.

May mắn có gia đình bên cạnh

Emma và chồng phải thường xuyên thay đổi nơi ở để phù hợp với công việc của chồng cô. Với nhiều người đây có thể là điều bất tiện, nhưng Emma rất hạnh phúc. Đến thành phố khác, cô sẽ có khoảng thời gian đầu thong dong, có thể đi bộ trên phố mà chẳng lo lắng việc mình có thể bị ai đó “bắt gặp” và chào hỏi. Những thành phố xa lạ sẽ có những gương mặt xa lạ, điều mà Emma vô cùng thích! Trước đây cô từng làm phóng viên thường trực cho một toà soạn, nhưng việc phải tiếp xúc và giữ quan hệ với hàng tá khách hàng trong khi cô chẳng nhớ nổi mặt họ khiến cô thấy khốn đốn. Vì thế Emma nghỉ việc ở nhà làm freelancer. Việc làm freelancer giúp cô chỉ cần liên hệ với khách hàng qua emails, giúp Emma đỡ phải gặp những tình huống “oái ăm”.

Giờ đây khi có 2 con gái nhỏ, Emma quay lại trường học để lấy bằng giáo dục. Tuy cô chẳng thể nhớ nổi mặt học sinh, nhưng may mắn thay chồng cô đã đưa ra gợi ý vô cùng hay ho: để Emma đăng ký làm giáo viên dạy thế. Chỉ khi nào giáo viên bị ốm hoặc phải nghỉ đột xuất, họ mới gọi Emma đến thay. Vì thế mà chả ai yêu cầu cô nhớ mặt học sinh cả. Mỗi buổi dạy đều là ngày đầu mới quen.

Emma cũng khó có bạn thân. Người bạn hiếm hoi lâu năm Jess của cô nói đùa rằng mỗi ngày gặp Emma đều như làm quen bạn mới vậy. Thực sự khó khăn khi Emma không thể tìm thấy sự thân thuộc với những người cô đã trò chuyện, vì thế mối quan hệ chẳng thể quá mặn mà. Ngoại trừ chồng và con gái, Emma khó lòng nhớ nổi ai ra ai. Sở dĩ cô có thể nhận ra chồng và các con, phần lớn là nhờ vào hành vi cử chỉ và cả giọng nói cô thân thuộc hằng ngày.

Lần đầu tiên gặp chồng mình, Emma đã trò chuyện cùng anh trong một buổi tiệc công ty. Và dù có ấn tượng sâu đậm về anh chàng mình đã nói chuyện, sáng hôm sau cô không nhớ nổi gương mặt anh để bắt chuyện ở công ty. Cô phải lên tra cứu trên danh sách nhân viên. May thay, chỉ có 2 người tên Toby, và cô vẫn nhớ rõ người cô thích có chiều cao ngang cô, trong khi anh kia lại khá thấp. Phần sau câu chuyện đã trở thành lịch sử!

Con gái lớn của Emma năm nay đã 5 tuổi. Con bé khá hiểu chuyện, và nhận xét rằng “mẹ có trí quên chứ không phải trí nhớ”. Vì thế mà Emma đang có ý định “huấn luyện” con bé thành người “nhắc tuồng” cho cô mỗi khi ra đường gặp người quen. Nỗi sợ lớn nhất của Emma là việc có ai đó sẽ lợi dụng căn bệnh của cô để làm điều xấu. Emma luôn phải tự đề cao cảnh giác khi đi ra đường. Nhưng đôi lúc cô rất sợ nếu tình huống xảy ra như trong phim, cô buộc phải ra chỉ điểm tội phạm, có khi nào cô sẽ đưa nhầm người tốt vào tù không? Và vì thế Emma ít khi để lộ mặt. Cô chỉ gặp những người cô quen biết ngoài đời thực. Dĩ nhiên cũng có những lúc, cô gặp phải ai đó ngoài phố mà không thể nhớ nổi, cô sẽ dùng một tí mẹo. Emma sẽ hỏi thăm dạo này họ thế nào, và khi họ trò chuyện về công việc hay cuộc sống, cô sẽ nhớ ra họ là ai. Hoặc nếu vẫn chưa được, thì lúc này đành phải nói thật “Tôi bị hội chứng mất nhận thức khuôn mặt sau khi chữa ung thư não, nên tôi không nhớ nổi bạn là ai.” Có lúc người ta sẽ nói rằng họ biết, vì lần trước cô đã giải thích rồi. Hoặc họ sẽ cười và nói rằng họ cũng chẳng giỏi nhớ mặt lắm đâu. Và khi đó, Emma sẽ bông đùa rằng lí do của cô là phẫu thuật não, còn lí do của họ là gì?