“Quyền lực mềm” và cách mà chúng ảnh hưởng lên thế giới hiện đại.

[Bài trích từ sách Monocle Guide: How to make a Nation]

“Quyền lực mềm” là gì?

Lần đầu tiên tôi biết về cụm từ quyền lực mềm (từ gốc là “soft power”) là một ngày mùa thu năm 2010. Đó là lần đầu tiên tôi cầm trên tay một cuốn tạp chí Monocle tháng. Trong môt bài viết nhỏ ngắn chừng vài trăm chữ là một bài review về tình hình dao động quyền lực mềm của thế giới. Từ đó đã định hình trong tôi một hình dung mới về sức mạnh của văn hoá đại chúng.

Pop-culture, hay còn gọi là văn hoá đại chúng, là từ chỉ những trào lưu văn hoá gây ảnh hưởng trên toàn thế giới. Mỗi thời điểm, mỗi quốc gia, mỗi sắc tộc có những trào lưu văn hoá khác nhau, với tầm ảnh hưởng có thể trải dài từ trăm ngàn người, đến toàn cầu. Một youtuber triệu view là một ví dụ của pop-culture, nhưng một Greta Thunberg với vài chục triệu người ủng hộ toàn thế giới, cũng là một ví dụ pop-culture.

Chữ “văn hoá” nó không gói gọn trong những thứ học thuật hay những loại hình truyền thông. Nó lan rộng từ thể thao, ẩm thực, con người, quần áo, thậm chí đến cái bàn cái ghế, cái tóc cái lông của con người dễ cung bị ảnh hưởng bởi pop-culture. Không tin ư? Bạn thử so sánh những mẫu thiết kế nội thất từ thập niên này qua thập niên khác, hay từ quốc gia này qua quốc gia khác, thậm chí từ nhà bạn, nơi mà bố mẹ yêu văn hoá dân tộc cổ truyên với giường trúc ghế tre, đến nhà hàng xóm, nơi mà cô hàng xóm mê mệt văn hoá Nhật Hàn, và thế là giường thay bằng nệm futon, còn bàn ghế thì là loại thanh giản. Hay như cách người ta đổi dáng lông mày đến kiểu tóc theo mỗi lần một ca sĩ hay diễn viên nào nổi lên chẳng hạn.

Nhưng việc con người luôn đam mê “ảnh hưởng”, cũng như đam mê việc có thể gây ảnh hưởng lên người khác vốn là bản năng. Và vì thế, “quyền lực mềm” xuất hiện. Nó là cuộc cạnh tranh, mua chuộc, và cả cố gắng của các quốc gia trong việc “xuất khẩu” biểu tượng văn hoá của đất nước mình ra thế giới, cốt sao cho văn hoá của mình trở thành số 1, thành biểu trưng của thế giới. Đó là một cuộc cạnh tranh có lợi về nhiều mặt cho con người. Ví dụ như văn hoá, chúng ta sẽ ngày càng biết đến nhiều nét đẹp văn hoá hơn. Ví dụ như kinh tế hay du lịch, khi càng có nhiều người yêu thích thì khả năng hàng hoá xuất khẩu được tiêu thụ sẽ cao hơn, hay người ta sẽ tìm đến nước bạn du lịch nhiều hơn.

Bạn sẽ vì thế thấy các quốc gia thi đua đăng cai tổ chức các thế vận hội hay sự kiện. Các nước cũng đua nhau quảng bá vẻ đẹp của văn hoá, con người và danh lam thắng cảnh ra càng rộng càng tốt. Cùng xem thử danh sách những “quyền lực mềm” của một số nước trên thế giới, để xem bạn có nằm trong phạm vi “phủ sóng” của chúng không nhé?

Nước Đức: máy giặt Bosch

Máy giặt Bosch có thể không nổi tiếng tại Việt Nam. Nhưng trên toàn cầu, đặc biệt ở thị trường các nước phát triển thì Bosch là thương hiệu đi liền với khẳng định chất lượng. Bạn có thể mua máy giặt của Bosch và hoàn toàn không hề lo ngại gì về hư hỏng hay chất lượng thấp. Và có thể bạn cũng có để ý là nước Đức nổi tiếng với “chất lượng đồ công nghệ cao”. Không phải là các sản phẩm, mà là một dạng “danh tiếng”, vì cứ nghĩ tới đồ công nghệ sản xuất tại Đức, thì người ta tự động “duyệt”.

Nước Anh: Brogue

Nếu bạn có xem bộ phim Kingsman, nhân vật chính có nói câu thoại “Oxford, not brogues”. Chuyện đó khẳng định một lí luận cũ của người Anh về việc giày brogues là loại giày quá phổ biến nên giới đẳng cấp hoặc lịch lãm hơn thì cần đi giày Oxford. Chúng ta không bàn về độ đúng sai, và cũng không chú trọng về đôi giày Oxford, mà hãy chú ý đến sự phổ biến của giày Brogue. Đúng vậy, brogues chính là những đôi giày Tây mà chúng ta ai cũng khá quen thuộc, và đôi giày Tây bóng lộn đỏm dáng đó bắt nguồn từ văn hoá Anh.

Hàn Quốc: K-Pop

Tôi sẽ không nhấn nhá phần này nhiều quá, vì tôi biết không phải ai cũng hợp gu với K-Pop. Nhưng xin khẳng định, khẳng định, và tái khẳng định (cái gì quan trọng nói ba lần), rằng K-Pop chính là ví dụ dễ hiểu nhất về quyền lực mềm – soft power. Nó đánh bóng và khắc sâu hình ảnh nước Hàn Quốc sôi động, nhộn nhịp, giàu sang, xinh đẹp và vô vùng phát triển tới phần đông thế giới.

Ấn Độ và bộ môn Cricket:

Ấn Độ có dân số đông nhì thế giới và Bollywood nổi tiếng chỉ sau Hollywood. Thế nhưng hai thứ nổi tiếng nhì đó không được chọn làm biểu trưng quyền lực mềm cho Ấn Độ, mà là bộ môn cricket. Đội tuyển cricket Ấn Độ, cũng như những giải đấu và tình yêu của dân Ấn dành cho môn cricket mới đích thực là thứ mà quốc gia này tập trung phát triển về văn hoá.

Nigeria và công nghiệp điện ảnh:

Nollywood là từ dân châu Phi ưu ái gọi nền công nghiệp điện ảnh của Nigeria. Quốc gia châu Phi này phủ sóng tất cả truyền hình, TV của các nước khác tại châu Phi. Ngạc nhiên nhỉ, vì đa số chúng ta sẽ đoán quyền lực mềm của châu Phi nằm ở các đội bóng đá.

Nhật Bản: Manga

Ngày nay văn hoá toàn thể nước Nhật đã quá phổ biến. “Nhật Bản” đã thành một cụm từ, một dạng pop-culture. Thế nhưng đừng quên manga, vì đây mới đích thực là ông vua của làn sóng quyền lực mềm. Trước cả khi K-Pop làm mưa làm gió thế giới, thì manga đã đi vào đời sống của các thế hệ người châu Á, hay thậm chí tại các quốc gia bên kia bờ đại dương như Mỹ, Châu Âu. Ghê gớm hơn, đây có lẽ là thứ “quyền lực mềm” có ảnh hưởng rộng rãi nhất, vì từ đứa bé lên năm đến người hai thứ tóc đều có thể cùng mê mệt Đô-Rê-Mon (Doraemon) như nhau.

Pháp và thời trang:

Kinh đô thời trang thế giới ban đầu chính là Paris. Những nhà mốt đến từ Pháp luôn đi cùng với bảo chứng về độ mode, về thịnh hành, thậm chí là về chất lượng. Ngay cả khi hiện nay các thương hiệu thời trang từ những quốc gia khác đang ngày một nổi tiếng hơn, thì khi nhắc đến thời trang, người ta không thể tác khỏi hình ảnh của nước Pháp được.

Nước Úc và flatwhite:

Người Úc có nhiều thứ để khiến người ta tò mò, nhưng thứ văn hoá xuất khẩu đi toàn cầu của Úc chính là ly cà phê flatwhite. Xuất xứ từ Úc rồi lan ra New Zealand, trước khi đổ bộ xuống thống lĩnh châu Âu và cả châu Á, flatwhite là trào lưu văn hoá duy nhất người ta cầm ra khỏi nước Úc và lan rộng nó đi (bạn biết nó, Kangoroo chỉ đi ra khỏi nước Úc dưới dạng nhồi bông hoặc thịt trên khay, còn Opera House thì nặng quá, có lẽ không cho mượn được!).

Phần Lan và văn hoá saunas:

Xuất phát từ Phần Lan, và ban đầu chỉ là nơi để thư giãn nghỉ ngơi, nhưng giờ đây Saunas đã thành một loại văn hoá lan rộng khắp thế giới. Nhớ nó, các câu lạc bộ nghĩ dưỡng và Saunas của Phần Lan là nơi tập trung đông nhất giới nổi tiếng và chính trị gia.

Brazil và Havaianas:

Thương hiệu dép xỏ ngón này đã trở thành biểu tượng văn hoá không lời nổi tiếng nhất của Brazil. Và không chỉ là dép xỏ ngón, và Havaianas đã thành công lan rộng hình ảnh một quốc gia với nắng nóng, bãi cát dài, biển và những con người tự do phóng khoáng.

New Zealand và điệu Haka

Điệu nhảy ăn mừng chiến thắng và chào đón thử thách này lan rộng khi những đội tuyển thể thao New Zealand đem nó đi khắp thế giới. Ngày nay, nó không còn là của riêng người Maori và New Zealand, mà đã trở thành biểu trưng cho sự dũng mãnh, cho tinh thần đồng đội, và một hình thức khích lệ tinh thần.

Thuỵ Điển và Ikea

Thiết kế và kiến trúc của Thuỵ Điển vô cùng nổi tiếng. Thậm chí đây được đánh giá là quốc gia tốt nhất cho người khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế đến sinh sống. Và đi tiên phong chính là hãng đồ nội thất Ikea. Ikea giờ đây không chỉ là một thương hiệu, nó là một dạng văn hoá nội thất hiện đại, tinh giản, và một lối sống lành mạnh.