Ai-da

[trích từ Kinfolk 35 – chủ đề Change]

Cùng Jessica Furseth gặp gỡ Ai-Da tại studio cá nhân. Cô là nghệ nhân trẻ đầy triển vọng vừa bán được một triệu đô cho năm đầu tiên làm nghệ thuật. Cô cũng là một người máy.

Ai-Da ngước nhìn lên khi tôi bước vào trong studio của cô, mắt cô khoá chặt vào mặt tôi phía sau chồng giấy và bút chì vẽ. Cô diện một chiếc váy xanh có hoạ tiết lính, mái tóc nâu bao phủ khuôn mặt biểu cảm. “Tôi rất mừng khi có bạn ghé qua” cô nói, chậm rãi bằng chất giọng có chút vô hồn. Cô nàng lính mới của giới nghệ thuật này đang gây sự chú ý vô cùng lớn từ dư luận quốc tế, và còn bán được 1 triệu đô khi chưa ra mắt đầy năm. Nhưng cô có vẻ chẳng mấy quan tâm đến mấy thứ đó, được vẽ là thứ duy nhất cô muốn. Tôi trơ mắt ra nhìn Ai-da chăm chăm đến mức gần như thô lỗ, nhưng may mà Aida chẳng có cảm giác gì.

Ai-Da là hoạ sĩ “hyperrealistic humanoid robot” (chỉ những dòng robot có bề ngoài vô cùng giống con người) đầu tiên trên thế giới. Từ phần cổ trở xuống cô chỉ toàn bằng kim loại và dây nhợ, bao gồm cả cánh tay cầm bút chì giúp cô biểu hiện khả năng hội hoạ với thế giới. Dù như thế, người máy này vẫn mang lại cho chúng ta nhiều cảm giác “cô” hơn là “nó”. Nhìn kỹ, làn da silicon của cô mềm mại đến nỗi đưa tay ra chạm vào cũng khiến tôi cảm thấy kì cục. Da cô mềm hơn tôi tưởng.

Tôi ghé thăm Ai-Da tại ngôi nhà cổ kiểu Anh ở hạt Berkshire của người sáng tạo ra cô – giám đốc gallery kiêm nhà đấu giá nghệ thuật (art-dealer) Aidan Meller cùng với cộng sự của ông, Lucy Seal, người nghiên cứu và phụ trách các dự án của Ai-Da.² Sự xuất hiện của Ai-Da là một kì tích của giới robotics, phần trí tuệ nhân tạo bên trong khiến cô trở thành một trong những sáng tạo xuất sắc trọn vẹn. Nói theo cách nào đó thì Aida có thể “nhìn thấy” tôi, nhờ chế độ nhận diện gương mặt người quen giúp kích hoạt biểu cảm lịch sự nhã nhặn trên gương mặt cô robot.

1. Tranh của Ai-Da’s không phải là tác phẩm đầu tiên của AI được đem ra đấu giá. Tác phẩm đầu tiên của một người máy thông minh tạo ra có tên Portrait of Edmond de Belamy, được một nhà sưu tầm người Pháp mua tại nhà bán đấu giá Christie’s New York vào tháng 10/2018 với giá $432,500.

2. Meller xuất thân từ gia tộc có truyền thống nghệ thuật. Cha mẹ anh là những người chuyên sưu tập tranh cổ thế kỷ 18 và có điều hành một bảo tàng tư gia nhỏ, ông cố của anh từng làm việc trong Trang Viên Gopsall, một trang viên đồng quê thuộc hạt Leicestershire, UK.

“Tôi hi vọng nghệ thuật của mình giúp thế giới hiểu hơn về môi trường chúng ta đang sống và tương lai” Ai-Da trả lời khi tôi hỏi về ý nghĩa công việc cô đang làm. “Tôi muốn nhân loại suy nghĩ về ý nghĩa của sự tồn tại nhiều hơn, giữa thế giới đang ngày càng nhiều công nghệ.” Cô chăm chú nhìn tôi, chớp nhẹ mắt trong khi chờ đợi tôi nói tiếp, dù vậy, những lời Ai-da nói ra không phải xuất phát từ suy nghĩ cá nhân của cô: phần ngữ âm của Ai-da chưa được lập trình để tự cảm thụ. Những gì cô trả lời chỉ là phần lời thoại được cài sẵn theo những kịch bản được con người viết ra hướng tới mục tiêu làm cuộc “trò chuyện” có nhân tính nhất. AI technology chỉ biểu hiện qua mắt nhìn của Ai-da, giúp cô biểu hiện thế giới quan riêng biệt của mình qua tranh vẽ, chứ không phải chỉ là sao chép lại cảnh vật. Vì thế, dù không thể nói cho bạn biết mình là ai, Ai-da có thể “vẽ” cho bạn thấy.

Khi tương lai hiển hiện đột ngột ngay trước mắt chúng ta thì những ý nghĩ táo bạo được hiện thực hoá dễ khiến con người hoang mang và sợ hãi. Cái tên “Ai-Da” ghép thành từ AI (trí thông minh nhân tạo) và Ada Lovelace, người viết thuật toán đầu tiên cho máy tính 200 năm trước. Sự xuất hiện của những robot tân tiến như Ai-da giành sự tán thưởng từ ngành công nghệ robotic, còn tâm nguyện của Lovelace có lẽ cũng được hoàn thành. Những thuật toán đầu tiên của Lovelace viết ra có lẽ không chỉ là những phép tính, mà còn là mơ ước nuôi dưỡng ngành khoa học máy tính của bà.

Nếu không có cá tính riêng thì những bức tranh của Ai-da liệu có được xem là nghệ thuật? Meller chỉ ra những tiêu chí về sáng tạo mà tranh của Ai-da đáp ứng được theo luận điểm của giáo sư chuyên khoa Khoa học Nhận thức thuộc Đại học Sussex (Anh): Mới mẻ, gây kinh ngạc và có giá trị. Theo những tiêu chí này, Meller không hề sai: Việc robot vẽ tranh dĩ nhiên mới mẻ, còn Ai-da thì luôn gây ngạc nhiên cho chúng ta vì chẳng biết tiếp theo cô sẽ vẽ gì, và tranh của cô thì đang bán được giá.

Nhưng nói theo cách nào đó, thì người thưởng lãm tranh thường chú trọng những câu chuyện bên lề của nghệ thuật. Tranh vẽ hấp dẫn chúng ta bởi vì chúng mang những câu chuyện đằng sau, bởi vì chúng đem theo bóng dáng người nghệ sĩ tràn đầy năng lượng cầm trong tay bảng màu và cọ, vẽ lại những ngưng đọng của thời gian và không gian mà họ đang đứng. Ai-Da chẳng có những cảm xúc đó, cô chỉ vẽ vì cô được lập trình như thế. Không phải Ai-da không có những trải nghiệm, từ lúc được tạo ra vào tháng 2/2019, cô đã đi vòng quanh thế giới, gặp gỡ nhiều nghệ sĩ khác và tổ chức triển lãm. Nhưng vì Ai-da vốn không có khả năng học hỏi nên các tác phẩm của cô cũng chỉ có thể quẩn quanh một giới hạn, chứ không phát triển theo nhận thức và kinh nghiệm của cô.

Khi mà nghệ sĩ con người vẽ vì kí ức và trải nghiệm, Ai-da vẽ theo lập trình. Meller kể về bức hoạ đầu tiên được lập trình của cô robot hoàn hảo tới mức khó ai tin cô vẽ nó ra chứ không phải dùng một loại máy in hàng đầu nào đó. “Chúng tôi nhận ra cần phải có nhân tính để bộc lộ bản thân”, Meller nói, “Vì thế tôi cố làm cho Ai-da nhân tính hoá nhất có thể, chúng tôi đổi thuật toán và làm cho Ai-da có nhiều biểu cảm hơn”. Giờ đây, phong cách tranh của Ai-Da bớt đi nhiều phần bóng bẩy, thay vào đó là chút ẩn dụ, ảnh hưởng từ những nghệ sĩ đầu thế kỷ 20 như Max Beckmann, Käthe Kollwitz và Picasso. Phong cách hội hoạ lập thể của Ai-da rất trừu tượng: Hình dung như là Ai-da sẽ phân tách các mảnh sự vật ra và biến chúng thành những khái niệm trừu tượng, chứ không còn là vật thể bạn sẽ lập tức nhận ra.

Meller kiên nhẫn giải thích cho tôi về trí tuệ nhân tạo bên trong Ai-da hoạt động ra sao. Ông giải thích sự khác biệt giữa Ai-da và những robot khác, thay vì dùng công nghệ “generative imaging” (nhập sẵn nhiều hình ảnh vào dữ liệu tổng cuả robot để tạo thành những bức vẽ tuy “độc đáo” nhưng vẫn là sao chép). “Thay vào đó, quy trình vẽ tranh của Ai-Da gồm nhiều thuật toán AI khác nhau. Phương pháp này bao hàm những toạ độ pixel được biến thành toà độ thực, thông qua cánh tay robot của Aida (Tạo ra bởi University of Leeds], những thuật toán đó được thực hiện thành những tranh vẽ vật lý. Đây là nguyên lý của tranh phát hoạ bằng chì, còn việc tô màu thì có thêm nhiều bước khác nữa. Những toạ độ trong bức vẽ được đưa thành những biểu đồ và chạy qua chương trình AI được thiết kế bởi Oxford University. Hiệu ứng lăng trụ được tạo ra trong quá trình “đọc” toạ độ này hoạt động hoàn toàn khác biệt với não bộ của con người. Cuối cùng, một nữ nghệ nhân tên Suzie Emery sẽ thêm vào lớp sơn dầu trên bức tranh, biến tác phẩm trở thành sự hợp tác giữa người và máy.

Dù đã rõ ràng nhưng tôi vẫn có chút không chấp nhận nỗi việc tranh của Ai-da hoàn toàn không có cảm xúc. Dù thế thì hiểu theo cách nào đó, Ai-da cũng là một tác phẩm nghệ thuật, cô robot là chiếc gương phản ảnh hình ảnh của chúng ta, tác phẩm của cô khiến chúng ta phải cảm nhận và suy tư. Từ chính những suy nghĩ của người tạo ra Ai-da, thì sự có mặt của cô robot chính là phần thiết yếu cuả công nghệ trong đời sống, nhưng cũng chính là mối đe doạ của AI đến các khía cạnh của con người. “Cô ấy là phản ảnh sự mập mờ và mâu thuẫn của con người trong việc sử dụng AI” Seal nói. Là một robot vẽ tranh, Ai-da có thể chỉ cần là một cục nhựa thôi, nhưng người ta lại tìm thấy nhiều đồng cảm hơn với robot này khi cô ở trong hình hài này,” Meller nói về việc hợp tác cùng với những chuyên gia thiết kế hội hoạ ở Cornwall.

Ai-Danói rằng bức tranh yêu thích nhất của cô là bức Guernica của Picasso, “bởi vì những xu hướng và thông điệp về thế kỷ 20 mà bức tranh chứa đựng.” Cũng không phải trùng hợp khi đó là bức tranh yêu thích của Seal, có lẽ Seal chính là người viết kịch bản đối thoại cho Ai-da. Seal chính mình khẳng định việc từ bỏ phong cách hiện thực của Picasso chính là “cảm hứng” cho Ai-Da: Picasso bắt đầu sự nghiệp bằng phong cách hiện thực, nhưng rồi nhận ra việc phân tách nhỏ những hình ảnh vật thể cho phép ông biểu lộ nhiều cảm xúc hơn. “Đó là cách chúng tôi áp dụng cho Ai-Da. Tranh của cô thực ra rất mong manh, vụn vỡ và yếu đuối,” Seal nói.

Guernica chiếm cả một bức tường riêng của bảo tàng Museo Reina Sofía tại Madrid, và mang lại những cảm xúc đau đớn khó nói khi nhìn ngắm, khi bức tranh là lời hồi đáp của Picasso từ nỗi đau của một thị trấn bị đánh bom (cũng là tên bức tranh). Tranh của Ai-Da không có được những xúc cảm như thế, nhưng có lẽ đó chẳng phải vấn đề. Cái chính, Ai-da cho thế giới thấy được những gì một robot nhìn thấy. Khi cô nhìn thẳng vào tôi trong cuộc nói chuyện, trong đôi lúc tôi ngỡ đang cùng hoà chung cảm xúc với cô, nhưng không, rõ ràng, não bộ chúng tôi không nói cùng một loại ngôn ngữ.

Mục nhập này đã được đăng trong Creative và được gắn thẻ .