Tham quan Cung Điện Mới: toà lâu đài của vị vương Ấn Độ cuối cùng

Nằm khuất trong một thị trấn bé nhỏ đượm không khí ru ngủ phía tây Gujarat, nhà báo Komal Sharma dẫn Kinfolk 34 khám phá trang viên lâu đời theo phong cách art deco của vị tiểu vương cuối cùng của vương triều Morvi, Ấn Độ.

Đi dọc theo Ahmedabad khoảng bốn tiếng đồng hồ, trên một con đường thẳng tít tắp xa, với lác đác những cụm dân cư hai bên đường, ta sẽ tới được kiến trúc đáng kinh ngạc nhất của Ấn Độ: Cung Điện Mới – một trang viên thuộc vị tiểu vương cuối cùng của Ấn Độ, nhưng được xây dựng hoàn toàn theo phong cách art deco của nước Pháp xa xôi.

Khi được xây dựng vào năm 1940, trang viên là một kiến trúc phá cách, chuyển đổi từ kiểu cung điện truyền thống của Ấn Độ sang phong cách châu Âu. Có lẽ vì thế mà Thakur (từ để gọi tôn kính tiểu vương trong tiếng Sankrit) Mahendrasinh đã ban cho toà kiến trúc cái tên Cung Điện Mới (The New Palace). Ông là người trị vì cuối cùng của vương triều gia tộc chiến binh Jadeja Rajputs, vốn cai trị vùng đất Morvi (hay có tên khác là Morbi). Vào những năm 1940, khi mà thuộc địa Anh xâm lược Ấn Độ, thì các gia tộc thống trị tại Ấn Độ cũng rơi vào thời kỳ khủng hoảng. Họ trượt dài trong quá khứ huy hoàng và nỗi trăn trở về lòng ái quốc. Cung Điện Mới, tuy vậy, lại là một trong những dấu mốc lịch sử vững chắc của thời kỳ này.

Một thế hệ công chúa và hoàng tử được gửi sang Anh Quốc du học. Họ phải lòng cuộc sống nơi trời Tây và nước Mỹ, với những toà kiến trúc lộng lẫy mang đậm chủ nghĩa hiện đại. Phong cách Art Deco tràn vào Ấn Độ từ những năm giữa thế kỷ 20 như thế. Kiến trúc này thống lĩnh cả vùng cảng Mumbai, thậm chí biến thành phố này thành thủ phủ thứ hai của phong cách Art Deco, chỉ sau Miami.

Thakur Mahendrasinh cũng là một trong những thành viên hoàng tộc cuả thời kỳ đó. Ông quyết định biến niềm yêu thích của mình từ một phong cách hội hoạ và thời trang lên tới tầm vóc kiến trúc cho hoàng tộc. Ông cho mời các kiến trúc sư từ Gregson Batley & King, một công ty nổi tiếng của Anh ở Mumbai để thiết kế toà nhà, và được xây dựng bởi Shapoorji Pallonji, công ty chịu trách nhiệm cho các dự án mang tính biểu tượng bao gồm Sàn giao dịch chứng khoán Bombay và Ngân hàng Hồng Kông.

Rajkumari Rukshmani Devi, thường được biết đến với cái tên Mira Ba, là con gái của vị tiểu vương cuối cùng Mahendrasinh. Bà viết trong một bài bút ký, Cung Điện Mới là giấc mơ của một vị vương trẻ tuổi. Những năm 20, đặt chân tới Mỹ và trót say mê art deco, Thakur Mahendrasinh đã mang theo tình yêu đó vào trong ngôi nhà ông sinh sống. Cung Điện Mới là một cấu trúc hai tầng với các cạnh tròn hoàn hảo ở hai góc, nằm vuông vắn ở giữa một khu đất rộng lớn (bản thân cung điện chỉ chiếm một phần mười của khu đất).

Các cột hình trụ dọc theo mặt tiền của nó mang lại cho toà nhà vẻ ngoài đặc trưng của phong cách art deco. Đi qua cửa chính là một hành lang đá mài terrazzo chạy bao quanh toà nhà. Những hình trang trí công phu trổ ra từ hành lang dẫn vào phòng ăn, rồi chạy lan tới một cánh cửa dẫn đến hai khoảng sân bên trong toà nhà với đài phun nước lớn. Toà nhà giữ nguyên cấu trúc cung điện Ấn Độ kết hợp hài hoà với kiến trúc trang trí phong cách Art Deco.

Đồ nội thất cho cung điện được vận chuyển từ một công ty nội thất cao cấp có trụ sở trên đường London Court Tottenham Road. Nhưng chính phần trang trí bên trong và những tác phẩm nghệ thuật đậm phong cách art deco mới là thứ mang sức sống cho cung điện. Toàn nhà là một giấc mơ của một thiếu niên si mê. Ký ức về những bữa tiệc xa hoa phảng phất trong sảnh lớn và lối nghỉ cầu thang. Ở một góc xa hơn của cung điện là một quán bar sang trọng với ghế bọc da báo, các tấm gương nghệ thuật, tác phẩm tranh tường khiêu gợi hoạ hình những phụ nữ da trắng cùng với đàn ông và phụ nữ da màu, tất cả đang đắm chìm trong một khu vườn rộng lớn.

 

Tiểu vương ủy thác cho nghệ sĩ Ba Lan Stefan Norblin trang trí cung điện này. Tác phẩm của nghệ sĩ này nằm giữa những bức chân dung khiêu gợi và thần thoại của thần Shiva và thần Krishna. Những chi tiết nhỏ trong căn nhà được chăm chút cẩn thận.

Có một bể bơi trong nhà với một phòng tập thể dục đầy những cỗ máy kì lạ, theo sau là một thư viện nằm ngay bên ngoài một ngôi nhà phố kiểu Anh, trang hoàng với các tấm gỗ óc chó và lò sưởi.

Phía trước, trong một văn phòng nhét đầy sách và giấy tờ, Manharsinh, người quản lý cung điện từ năm 1981, lấy ra một Bảng liệt kê Trang trí và Nội thất được gửi từ Đường Tottenham Court ở London, đến tận góc Gujarat xa xôi này.

Một danh sách dài bất tận của sự xa hoa. Cột đá cẩm thạch Napoleon, lót sàn bằng đá cẩm thạch Botticino, các chi tiết trang trí cửa ra vào, các cột đá mã não đen, đá cẩm thạch Bleu của Bỉ, cửa trượt bằng đồng Cheltenham, đèn chùm màu bạc với những viên lưu ly tròn và dài đường kính 28 inch, ghế gỗ gụ Cuba, bệ gỗ óc chó của Pháp, danh sách còn dài nữa và nữa.

“Ngài tiểu vương là một người yêu các đẹp. Người chơi quần vợt và polo rất giỏi. Nhưng niềm yêu thích thực sự của người là ngựa đua. Ngài đua ngựa rất giỏi, và đã từng thi đấu khắp thế giới” – bà Mira Ba viết trong các bút ký về cha mình. Tiểu vương còn yêu thích bộ môn golf, và đã từng có ý định xây dựng một sân goft ở tỉnh Morvi, nhưng cuối cùng ngài xây một sân bay nhỏ để đậu các chuyên cơ của mình.

Cung Điện Mới chính là nơi lưu trữ những sở thích thưở sinh thời của ngài. Các bức tường được trang trí bằng những chiếc cúp và huy chương, bức tranh sơn dầu của những người cưỡi ngựa và người chơi polo, và chân dung lớn của tổ tiên bao gồm cha của tiểu vương Lakhdhirji Bahadur, và ông nội Waghji Bahadur. Nơi đây hoà lẫn truyền thống và hiện đại, vui tươi và hoài niệm.

Cung Điện mới như một câu chuyện về sự thay đổi thẩm mỹ, văn hóa và chính trị trong lịch sử của Ấn Độ, mà trong trung tâm của câu chuyện, là một ngôi nhà. Một ngôi nhà khổng hẳn là nơi sinh hoạt, nhưng cũng không phải nơi bị lãng quên. Giữa tất cả các đồ nội thất xa hoa, thảm trải sàn, tủ đầy đồ sành sứ và vô số ghế sofa và ghế dài được đặt xung quanh bàn xà cừ, thi thoảng xuất hiện những bức tranh về cuộc sống gia đình. Những đứa trẻ và những người phụ nữ chủ nhân ngôi nhà, mỉm cười thản nhiên trước ống kính, mặc những chiếc sari thanh lịch và dây chuyền ngọc trai.

Cung điện được chăm sóc bởi một người nhân viên đã ở đây suốt cả cuộc đời, và anh nói về nó với sự dịu dàng. “Khi gia đình hoàng gia đến sống ở đây, chúng tôi treo một lá cờ trên đỉnh, để thị trấn biết rằng họ đang ở nhà”_ anh nói. Tôi đã lớn lên cùng với những cái cây trong khu nhà này; xoài, hoa sứ, đã lớn lên cùng với tôi. Gia đình hiện tại bao gồm vương phi và bốn cô con gái, sống trong những ngôi nhà khác nhau của họ trên khắp thế giới, bao gồm Mumbai và London. Thỉnh thoảng họ trở lại Morvi, cùng với gia đình riêng của họ, về ngôi nhà thời thơ ấu. Mira Ba nói rằng tinh thần của nơi này luôn tồn tại: “Cha tôi đã xây dựng ngôi nhà này như một nơi chốn riêng cho mẹ, vợ, và các con mình”, cô viết. Đây là nhà của tất cả chúng tôi cho dù chúng tôi có đi đâu. Khi chúng tôi trở về, là về nơi mà tình yêu luôn ở lại. Ở Morvi.”